Dư luận người tiêu dùng Việt Nam đang tỏ ra xôn xao trước thông tin thương hiệu PEGA mạnh tay đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây nhà máy xe đạp điện tại Việt Nam… Trong buổi nói chuyện với phóng viên, ông Lê Hoàng Long, Founder & CEO của PEGA đã chia sẻ những mục tiêu, tầm nhìn dài hạn khi chuẩn bị diễn ra bước ngoặt lớn của thương hiệu xe điện này:
- Thưa ông, đang kinh doanh thành công với các sản phẩm xe điện nhập khẩu, đâu là lý do PEGA quyết định chi 100 tỷ đồng mở nhà máy sản xuất?
CEO Lê Hoàng Long: Thực ra, ngay từ những ngày đầu thì PEGA đã có ý định tự sản xuất xe điện. Song để thực hiện được điều này thì không thể một sớm một chiều có thể thành công ngay.
Từ những ngày đầu bắt đầu lập dự án, nhận thấy lợi thế sản xuất xe 2 bánh tại Việt Nam từ hệ sinh thái sản xuất xe máy có lịch sử hàng chục năm phát triển cho những thương hiệu lớn như Honda, Yamaha, Piagio..., chúng tôi đã tìm kiếm cơ hội dựa trên những lợi thế quốc gia này.
Thị trường xe điện tại Việt Nam tăng trưởng rất nhanh. Nếu như năm 2013 chỉ có 150.000 xe/ 1 năm thì tới 2015 đã lên tới 500.000 xe/ năm và chủ yếu là xe nhập lậu từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhiều hãng xe điện ở Việt Nam chưa tự thiết kế, nghiên cứu và làm khuôn mẫu sản xuất, họ thường sử dụng những linh kiện phổ biến nên sản phẩm không có nhiều khác biệt. Do đó, sản phẩm xe điện Việt Nam chưa thực sự có chỗ đứng trên thị trường cũng như vươn ra các thị trường xung quanh.
CEO PEGA: “Chúng tôi tìm kiếm cơ hội dựa trên lợi thế quốc gia.”
- Để hiện thực hóa ước mơ mang tên “nội địa hóa” của mình, PEGA đã làm gì?
CEO Lê Hoàng Long: Thời gian qua, chúng tôi từng bước tham gia vào tất cả khâu để sản xuất ra một chiếc xe điện, từ nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, đến nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, marketing và phân phối sản phẩm theo chuỗi. Việc cho ra một sản phẩm xe điện do người Việt làm chủ đã được ấp ủ 4 năm nay và thấm nhuần trong tư tưởng của từng con người tại PEGA. Bây giờ là thời điểm tốt nhất để chúng tôi hiện thực hoá ước mơ của mình.
Ngoài yếu tố “nhân hòa”, PEGA có một nhà máy rộng 15.000m2 được đầu tư hơn 100 tỷ đồng tại Khu công nghiệp Yên Dũng (Bắc Giang) có thể sản xuất khoảng 1 triệu xe/năm.
“Việc tạo ra một sản phẩm xe điện do người Việt làm chủ đã thấm nhuần trong tư tưởng của từng con người tại PEGA”
- Trước các mẫu xe điện nhập lậu tràn lan trên thị trường, sản phẩm của PEGA có khác biệt gì để chiến thắng trong cuộc “đối đầu” không khoan nhượng này?
CEO Lê Hoàng Long: Ngay từ khi bắt đầu, PEGA đã định hướng doanh nghiệp đi theo hướng tích hợp dọc. Trong lúc xây dựng quy trình sản xuất, chúng tôi đã kết nối thành công với các hãng công nghệ hàng đầu của thế giới như Bosch hay Panasonic, qua đó hợp tác nghiên cứu và thiết kế thành công nhiều mẫu động cơ, bộ điều khiển và sạc cao cấp, vượt trội so với các xe điện hiện tại. Bên cạnh đó, PEGA còn phát triển những tính năng, tiện ích để giúp việc lái xe trở nên thú vị, dễ dàng hơn.
Là những sản phẩm do người Việt thiết kế, song PEGA có sự hậu thuẫn của các chuyên gia hàng đầu thế giới, tích hợp với những công nghệ hiện đại nhất từ các đối tác hàng đầu của Tesla Motors nhằm mang đến những bước tiến vượt bậc. PEGA cũng đưa ra các tiêu chuẩn cực kỳ nghiêm ngặt của Yamaha để làm việc với các đối tác cung ứng linh kiện để đảm bảo đạt được chất lượng như tiêu chuẩn đề ra.
Điều này sẽ giúp PEGA tạo ra những dòng xe tối ưu cho nhu cầu sử dụng của người Việt nhưng đạt tiêu chuẩn chất lượng của người Nhật, châu Âu.
Ví dụ như trong tháng Tư này, PEGA sẽ “lên kệ” bốn sản phẩm được tích hợp những công nghệ hiện đại và danh tiếng nhất, để động cơ leo dốc khỏe như xe máy, đi được 80-100km một lần sạc và đi thoải mái trong nước ngập như một chiếc tàu ngầm mà không lo ngập vào ống xả như xe máy xăng…
Trong 3 năm tới, PEGA kỳ vọng chiếm từ 50-70% thị phần xe điện Việt Nam.
- Tỷ lệ nội địa hóa của PEGA là bao nhiêu, thưa ông?
CEO Lê Hoàng Long: Hiện nay, xe điện PEGA có 35% linh kiện được sản xuất tại Việt Nam đều là những linh kiện lớn như khung, vành, càng, động cơ, dây điện, phanh, yên…, chiếm 85% giá trị xe.
Thực tế thì việc nội địa hóa sản phẩm là bài toán nan giải chung của nhiều hãng. Ví dụ như Honda, tỷ lệ nội địa hóa ban đầu cũng chỉ đạt 25%, Piaggio thì chỉ đạt 17%... Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa lên, song chất lượng của sản phẩm luôn là ưu tiên số một.
“Chúng tôi sẽ triển khai các dự án mới để đưa sản phẩm PEGA góp mặt tại các nước trong khu vực.”
- Hiện PEGA có thị phần thế nào trên thị trường, mục tiêu của ông trong thời gian tới ra sao?
CEO Lê Hoàng Long: Hiện nay tại Việt Nam, 3 hãng PEGA, Detech và DKBike là những hãng xe điện có thị phần lớn nhất, chiếm khoảng 40% thị phần xe điện cả nước. Những năm tới, với những chính sách hợp lý của nhà nước, và xu hướng chuyển dịch của thị trường xe 2 bánh, chắc chắn sẽ không còn chỗ cho các dòng xe điện kém chất lượng trên thị trường.
Về phần mình, PEGA liên tục cải tiến chất lượng để đưa ra thị trường sản phẩm tốt nhất. Những năm qua, chúng tôi đã gây dựng và phát triển 250 showroom chuyên biệt phân phối sản phẩm trên cả nước và khoảng 500 cửa hàng bán sản phẩm PEGA. Trong 3 năm tới, chúng tôi sẽ phát triển lên 700 showroom chuyên biệt và kỳ vọng sẽ chiếm từ 50-70% thị phần xe điện Việt Nam.
Tôi tin rằng, với sự đầu tư bài bản vào công nghệ để có những chiếc xe chất lượng châu Âu, giá Việt Nam, mục tiêu trên sẽ sớm về đích.
Ngoài thị trường trong nước, chúng tôi sẽ triển khai các dự án mới để đưa sản phẩm PEGA góp mặt tại các nước trong khu vực. Thị trường Châu Âu và Đông Nam Á đều có nhu cầu rất lớn về xe điện chất lượng cao, do quan niệm, nhận thức về việc bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng năng lượng hóa thạch… Thêm vào đó, việc hãng xe điện Tesla Motors trở thành thương hiệu ô tô lớn nhất Mỹ cũng giúp mọi người tin tưởng hơn về tương lai của xe điện trên toàn thế giới trong vài năm tới.
- Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của ông!