Gửi
GỌI NGAY
TÌM CỬA HÀNG

Xe đạp điện chỉ nên chạy tốc độ 25 km một giờ

Ngày đăng: 03/10/2015 | Lượt đọc: 7476

Nhiều người nghĩ đi xe đạp điện cũng giống như khi di chuyển bằng xe đạp thường mà bỏ qua những kỹ năng cần thiết để đảm bảo an toàn. Ngoài việc kiểm tra nguồn điện, phanh, tính năng hoạt động, trọng tải… các chuyên gia cũng lưu ý tốc độ lý tưởng đối với dòng xe này là dưới 25 km một giờ.

Đang bế cháu trước cửa nhà, bà Năm ở Tây Sơn, Hà Nội giật mình khi thấy hai cô cậu thanh niên phóng xe vụt qua. "Tôi không nghe thấy tiếng máy nổ cũng chẳng thấy còi nên không biết là có xe đến. Hàng xóm của tôi nói rằng cặp thanh niên ấy đi xe đạp điện", bà Năm nói.

Theo bà, việc phóng với tốc độ quá nhanh trong ngõ lại không có còi xe hay âm thanh nào cảnh báo như vậy là nguy hiểm. "Tôi đứng sát cổng nhà còn bị giật mình, không rõ trẻ con hay ai đó bất ngờ chạy từ trong ra khả năng tai nạn là khó tránh", bà Năm bày tỏ lo ngại.

Điều khiển xe đạp điện không đúng cách có thể gây nguy hiểm cho những người khác cùng lưu thông trên đường.

Còn bác Thuận, 68 tuổi, ngụ phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội cho hay, cách đây hai tuần khi đi bộ từ nhà ra hồ để tập thể dục, bác suýt bị va chạm với chiếc xe đạp điện do hai cậu thanh niên chở nhau phi với tốc độ nhanh bất ngờ lao từ ngõ ra.

"Tôi kịp tấp sát vào tường nhà dân gần đó nên chỉ bị quẹt nhẹ vào tay lái. Tôi nhìn kỹ, hai cu cậu còn trẻ lắm, độ 18-20 và họ không đội mũ bảo hiểm. Điều này khiến tôi cảm thấy rất lo lắng về tính an toàn của người tham gia giao thông", bác Thuận nói thêm.

Lo lắng của bà Năm, bác Thuận hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua, các phương tiện thông tin đã phản ánh nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra vì tốc độ khó kiểm soát của một số dòng xe đạp điện. Trong đó, nhiều vụ xảy ra xuất phát từ việc người điều khiển xe đạp điện chạy bằng ắc quy vượt quá tốc độ cho phép.

Theo thiết kế, dòng xe này chỉ chạy vận tốc tối đa 25 km một giờ nhưng người dùng lại chạy với vận tốc có lúc lên tới 40 km, thậm chí 50 km. Xe đạp điện có tốc độ cao hơn rất nhiều nhưng hệ thống phanh giảm tốc hoàn toàn giống xe đạp bình thường nên khả năng xảy ra tai nạn cao. Hơn nữa xe đạp thường đạp bằng chân dễ dàng kiểm soát tốc độ, còn xe đạp điện tốc độ lại do mô-tơ điều khiển nên dễ mất kiểm soát, khả năng xảy ra tai nạn cao hơn.

Chính vì những nguy cơ và rủi ro ở mức độ cao của xe đạp điện, các cơ quan chức năng đang tính toán việc quy định tốc độ cho xe đạp điện. Những người sử dụng loại xe này khi tham gia giao thông đã được yêu cầu bắt buộc đội mũ bảo hiểm.

Bên cạnh những yếu tố an toàn về mặt kỹ thuật của xe đạp điện, ý thức của người sử dụng cũng phải nâng cao qua việc đội mũ bảo hiểm.

Theo bà Nguyễn Mai Trang, đại diện hãng xe đạp điện PEGA, việc quy định vận tốc tối đa 25 km/h cho xe đạp điện là hoàn toàn hợp lý. Các hãng sản xuất nên nghiên cứu để xe vận hành đúng tốc độ quy định để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.

"Khi bán hàng cho khách, các nhân viên của chúng tôi đều khuyến cáo khách hàng về vận tốc đối đa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tư vấn cách thức nhận biết tính năng an toàn của xe", bà Trang nói. Dù vậy, vị đại diện PEGA cũng nhìn nhận rằng ý thức của người sử dụng xe đạp điện vẫn đóng vai trò quyết định khi tham gia giao thông. Trong đó, yếu tố cơ bản nhất cần lưu ý là đã lên xe thì phải đội mũ bảo hiểm, bất luận đi đường ngắn hay đường dài.

Ông Vũ Tiến Dũng, chuyên gia kỹ thuật của PEGA cũng bổ sung thêm việc chú ý đến tốc độ tối đa cho phép là yếu tố cần thiết cho người điều khiển xe. Khi lưu thông trên đường, người điều khiển cần tránh tăng ga đột ngột, phanh gấp vì điều này sẽ khiến tuổi thọ của pin (ắc quy) trên xe giảm đáng kể và về lâu dài, mô tơ bị ép hoạt động mạnh sẽ không bền.

PEGA tính toán rất kỹ thiết kế của xe để đảm bảo mức độ an toàn theo quy định dành cho xe đạp điện với vận tốc tối đa 25km/h, trọng lượng xe 32kg bao gồm cả pin.

Trước khi sử dụng tay ga điện, người dùng có thể đạp thêm vài nhịp trợ lực để bắt đầu hành trình. Tương tự khi lên dốc cao, đạp xe trợ lực hoặc giảm trọng tải để lên dốc mà không ảnh hưởng đến mô- tơ. Mỗi loại xe điện đều có một tải trọng khác nhau, loại nhỏ chở được trên 40kg, loại tải trọng nặng hơn cũng không quá 90 kg hay những loại có khung xe bằng thép chịu lực có tải trọng 180 kg.

"Nói chung, xe điện chủ yếu phục vụ cho một người, tối đa là hai. Nếu sử dụng xe điện với trọng tải vượt mức cho phép sẽ gây sức ép đến mô tơ, khung vành và nan hoa. Có thể nhận biết khi di chuyển với hai người trên xe điện khoảng 2 km, sức nóng gần ắc quy (pin) hoặc mô tơ tăng lên rất rõ", ông Dũng chia sẻ.