Xe máy điện ra đời để đáp ứng như cầu cho một số người ham mê kiểu dáng xe giống xe máy nhưng lại muốn tiết kiệm chi phí nhiên liệu. Hiện nay, xu hướng thị trường máy tại Việt Nam hiện nay là xe tay ga, do vậy đa số các thiết kế xe máy điện mẫu mã giống như xe tay ga.
Theo kết quả nghiên cứu đã được công bố tại hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua sử dụng xe máy điện và cơ chế bù đắp tín dụng song phương Việt Nam - Nhật Bản” được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 9.1.2013, sử dụng xe máy điện có thể giúp tiết kiệm đến 90% chi phí so với sử dụng xe máy chạy xăng và lượng CO2 giảm phát thải ra môi trường.
So với xe đạp điện, xe máy điện khác ở chỗ có công suất lớn hơn, do đó có tốc độ cao hơn. Do bình ắc quy không quá lớn nên các xe đều có một cốp xe rất rộng dưới yên. Dưới gầm xe, thay vào chỗ của động cơ là một bình ắc quy dùng để tạo năng lượng. Mỗi ắc quy này cần chừng ít nhất 3 tiếng đồng hồ để nạp đầy và đủ để chạy một quãng đường chừng 80 km, thích hợp với một người có nhu cầu đi lại ở phạm vi hẹp. Xe có thể đạt vận tốc khoảng 40 km/h.
Xe máy điện đã xuất hiện tại Việt Nam khá lâu nhưng số người sử dụng không nhiều bởi những hạn chế của nó. Phần lớn loại xe may điện đang được sử dụng tại thị trường Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc với những nhược điểm như pin có thời gian sử dụng ít (20-30 km), bình sạc không tiện dụng, lại không phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam (độ ẩm cao) nên dễ chết máy, khó khăn về bảo trì, bảo dưỡng… Đặc biệt, do dáng xe "nhái" theo kiểu xe ga của các hãng nổi tiếng, nên không có bàn đạp, khi hết điện, người sử dụng chỉ còn cách dắt bộ.
Mặc dù có tốc độ tương đối lớn, hiện nay chưa có bất cứ quy định nào buộc chủ xe máy điện phải làm thủ tục đăng ký. Một số đơn vị phân phối các sản phẩm xe điện, cũng cho biết khách hàng chỉ cần làm thủ tục mua xe xong là có thể sử dụng.
Ngoài ra, cũng chưa rõ liệu những người điều khiển xe điện có cần bằng lái khi đi trên những tuyến đường quy định hay không.